Mùa cam bù Hương Sơn
Ngày 08 tháng 10 năm 2024
Điện thoại: 0969720456

Mùa cam bù Hương Sơn

Đầu tháng 12 âm lịch, người dân huyện Hương Sơn bắt đầu thu hoạch cam bù, bán giá từ 15.000 đến 40.000 đồng mỗi kg.

Huyện Hương Sơn là thủ phủ của giống cam bù Hương Sơn, với diện tích hơn 1.000 ha, trồng tập trung tại xã Kim Hoa, Sơn Trường, Sơn Hàm... Các gia đình thường cải tạo đồi, lập trang trại để trồng cam. Trung bình mỗi hộ sở hữu từ một sào đến hơn 30 ha đất, trồng hàng nghìn cây.

Thời điểm này nhiều vườn cam bù trong huyện quả đã chín vàng, thương lái đến tận vườn thu mua đem đi bán lẻ tại các chợ.

Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Đạt, 60 tuổi, trú xã Sơn Trường, sở hữu 2 ha đất vườn đồi, trồng hơn 200 gốc cam bù Hương Sơn. Cây trồng theo hàng ngang, mỗi gốc cách nhau khoảng 3 m, sau 4-5 năm mới cho thu hoạch quả.

"Cây cao trung bình 3 m, tán rộng 5 m, vòng đời khoảng 15 năm, nếu gốc nào chăm sóc tốt có thể đạt 20 năm, sau thời gian này phải thay mới. Hàng năm tôi luôn chiết cành của một số cây lâu năm trong vườn, đem trồng tại nhiều vị trí khác để duy trì giống", ông Đạt nói.

Vườn cam của ông Đạt quả chín vàng một cây cho từ 100-200 quả tùy theo độ lớn, có cây 300 quả, năng suất từ 1-3 tạ.

Lão nông 60 tuổi thường chống cọc gỗ và tre nứa lên các cành để cây có độ thoáng, không bị đọng sương, tránh rụng quả. Ngoài ra, việc này còn ngăn cành bị gãy, hoặc sà xuống đất khiến quả nhanh hư hỏng.

Các chủ vườn thường dùng can nhựa làm bẫy sinh học để diệt ruồi vàng, ong... tấn công quả cam.

Chủ vườn dùng thuốc sinh học bỏ vào can để thu hút côn trùng, khi chúng đến sẽ bị keo bôi sẵn bên ngoài can dính lại. Sau hơn một tuần bẫy được đưa đi xử lý để tái sử dụng.

Nhiều người dân làm lều tại vườn, phía trong đặt một chiếc lu sành, dựng tấm Fibro xi măng để hứng nước mưa từ trên mái tranh xuống. Khi phun thuốc sinh học, nếu thiếu nước họ sẽ lấy tại lu để ít phải di chuyển.

Cam bù Hương Sơn khi chín có màu vàng đậm. Lúc thu hoạch, để quả cam còn tươi nguyên cuống và lá, người dân phải lấy tay trái đỡ nhẹ nhàng phía dưới quả, tay phải cầm kéo cắt tỉa cẩn thận.

Cam bù đầu mùa bán giá từ 15.000 đến 40.000 đồng một kg tùy loại.

"Mới đầu vụ nên một ngày tôi đến tận vườn thu mua khoảng 15-20 kg đưa về bán lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện Hương Sơn. Gần Tết sẽ gom số lượng lớn nhập cho những cửa hàng bán hoa quả", một thương lái nói.

Thương lái sau khi hái xong đã đưa cam xuống xe máy, xếp vào rổ rồi vào gặp chủ vườn để cân trọng lượng và thanh toán tiền.

Ông Nguyễn Văn Đạt cho hay, năm ngoái vườn cam bù cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Năm nay do Covid-19 nên việc tiêu thụ gặp khó, cam giảm giá từ 10.000-15.000 đồng một kg so với trước, dự kiến số tiền thu về đạt khoảng 120 triệu đồng.

Ngoài thu mua cam bù, thương lái còn gom nốt cam chanh cuối vụ đưa đi nhập cho đối tác. Cam chanh trồng xe kẽ với cam bù, trái nhỏ hơn, giá bán 10.000 đồng đến 30.000 đồng mỗi kg.

Cam bù được bày bán dọc bên quốc lộ 8A đoạn qua huyện Hương Sơn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, năm nay, sản lượng cam bù trên địa bàn ước đạt gần 11.000 tấn, giá trị sản xuất gần 350 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, có những trang trại lớn doanh thu tiền tỷ.

Cam bù mọng nước, vị ngọt thanh và thơm. Ngoài ăn từng múi thông thường, người dân địa phương còn ăn cam với muối trắng hoặc một bát mắm tôm trộn lẫn ớt cay.

Ông Bùi Nhân Sâm, Bí thư huyện ủy Hương Sơn, nói cam bù là đặc sản riêng có của địa bàn, cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện, mang lại thu nhập khá cho người trồng. Loại quả này thường chín vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài bán còn được dùng làm quà biếu phương xa.

Nguồn: Vnexpress.net


Từ khóa cam-bu-huong-son-ha-tinh